Đối tác - Liên kết

Cá lóc nướng

Thảo luận trong 'Chế biến món ăn' bắt đầu bởi Tran An Nam, 9/1/08.

  1. Tran An Nam

    Tran An Nam Moderator

    Tham gia ngày:
    14/10/07
    Bài viết:
    408
    Đã được thích:
    2
    Điểm thành tích:
    18
    Ở miền quê Nam bộ, nông dân có những món ăn điền dã gọn, nhẹ mà...chất lượng. Họ thích những gì mình bắt hoặc hái được. Sẵn rơm rạ trên cánh đồng, củi trâm bầu đượm than là những chất đốt có ở khắp nơi, không mất tiền mua. Sau một ngày lao động cực nhọc, nông dân thường tụ tập lại có món gì nướng món nấy. Họ quây quần bên nhau dưới rặng trâm bầu, chia nhau ly rượu, miếng cá, củ khoai hay trái bắp vừa mới nướng. Món ưa thích, phổ biến và hao rượu nhất có lẽ là món cá lóc nướng.
    Sau khi tát đìa hoặc vét mương, cá lóc được bắt lên, con nào con nấy ú na ú nần có con nặng cả mấy ký lô. Nếu kỹ lưỡng thì rọng với dấm cho nó ọc nhớt, ọc bùn, sạch sẽ rồi mới bắt đầu nướng. Tùy theo ý thích, có thể nướng đất, hay nướng trui.Nướng đất thì đắp đất sình (loại đất sét dẻo, chớ không phải bùn non) quanh mình con cá rồi chất củi đốt, đốt đến khi đất vừa khô là được. Khi ăn, gỡ đất ra, lớp thịt bên trong trắng phao, bùi ngậy (vị bùi không biết phải do tinh chất của đất tiết ra không?). Trong khi than còn đượm thì có thể tranh thủ nướng thêm lươn, tôm, tép hay cua, ốc cho đủ chủng loại.

    Cá nướng trui thì không đắp đất và nướng bằng ngọn lửa hoặc lửa rơm chớ không phải đặt lên vĩ nướng bằng than được, làm như vậy không có hương vị của cá nướng trui.Người ta xiên một que tre tươi từ miệng đến đuôi cá, tùy theo số người ăn mà dự trù lượng cá để nướng. Cắn que tre xuống đất rồi phủ rơm khô cũng được. Cái giỏi của người có" tay nghề" là phủ lượng rơm vừa đủ sao cho tàn lửa thì cá cũng vừa chín. Cá nướng chín quá thì mất ngọt, chưa đủ độ chín thì thịt nhão, tanh. Rơm nhiều cá khét, rơm ít chất rơm thêm thì khúc đầu sống, khúc đuôi khô nước.

    Cá nướng xong, cạo lớp vảy cháy cho sạch, lộ ra da vàng thơm phưng phức, thịt cá trắng nõn, ngọt lịm. Ăn cá lóc nướng trui phải có rau sống, bánh tráng, mắm me. Rau sống phải đầy đủ "họ tộc" như: dấp cá, húng cây, quế, tía tô, giá hẹ, dưa leo, khế chua, chuối chát. Nếu có xoài non thì xắt nhuyễn như sợi bún. Nếu ăn ngay trên đồng ruộng, không có rau thì có đọt rau muống, rau ngổ, đọt sọp, đọt dừng hay đọt cóc, đọt xòai thế vào cũng được.

    Rau xanh sắp trên bánh tráng dẻo, gắp miếng cá còn nóng hôi hổi đặt vào giữa, trên cùng là mấy cọng bún và vài hột đậu phọng đâm nhỏ. Tất cả cuộn chặt lại, chấm vào chén nước mắm me trắng tỏi, ớt đỏ. Nhai từ từ để nghe tất cả hương đồng quê thấm vào tận tim gan (ruột cá nhớ nhường cho vị nào cao niên nhất). Vừa ăn, vừa chuyện trò về mùa màng, nhắp đôi ly rượu rắn càng thêm ngon miệng. Phụ nữ có chai nước cơm rượu sẽ bổ dưỡng thêm nhiều.

    Ở thành phố, người ta ăn món cá lóc nướng có vẻ thành thị, sang trọng hơn. Cá mua ở chợ về (thường là cá nuôi bè, thịt bở, lạt và mỡ nhiều) làm sạch sẽ rồi khứa dọc theo hai bên lườn con cá để ướp gia vị: tỏi, củ hành, tiêu, nước tương, đường, bột ngọt. Trước giờ ăn một tiếng, cá được đặt vào thùng nướng, vặn độ nóng vừa phải cho cá chín từ từ. Khoảng gần một tiếng sau, da cá vừa vàng, lấy ra chế mỡ hành dọc theo thân cá, đặt vào thùng từ 3 đến 5 phút cho thấm mỡ hành. Sau cùng, lấy cá đặt sẵn cải xà lách xong Ðà Lạt, củ cải đỏ, củ cải trắng tỉa hoa ngâm dấm đường trang trí dọc theo hai bên lườn cá, miện cá cắm một trái ớt đỏ tỉa hoa giống như"Hỏa Long" phun lửa.

    Ở các bữa tiệc tại nhà hay ở nhà hàng, cá lóc nướng là món ăn sang trọng, được ưa chuộng nhưng đắt tiền. Ðó là chưa tính khoảng rượu bia hoặc rượu Tây có chai lên đến cả triệu bạc.

    Cá lóc là một loại cá đồng được người Việt Nam ưa chuộng vì thịt nó hiền, ngọt và thơm. Món ăn làm từ cá lóc rất đa dạng: kho tộ, nấu canh chua, lẩu mắm, cháo cá rau đắng, chưng tương, um dừa, chiên dòn,....Thịt cá lóc có độ đạm cao, bồi bổ cho người bệnh rất mau lại sức. Ai đi về miền Tây nhớ tìm ăn cho được món cá lóc nướng trui để biết thế nào là món ăn miệt ruộng vườn. (Theo Du lịch)

    Cá lóc nướng trui

    Cá lóc rất quen thuộc với người miền Tây, bởi dễ tìm, thịt vừa ngon, ngọt, đạm nhiều, cơ thể dễ hấp thụ, nhất là trẻ em, người già, kể cả người đau yếu. Thịt cá lóc dễ chế biến, từ kho tộ, nấu canh chua, nấu canh bầu, canh rau ngót, hấp với lá bầu đến cá lóc chiên xù, nhưng có lẽ món dễ chế biến nhất mà người dân miền Tây ai cũng biết và rất thích đó là món cá lóc nướng trui.

    Cách làm phổ biến của người miền Tây là chọn cá lóc đồng tươi nguyên, được bắt từ đồng về và ngâm vào khạp da bò vài ngày để cá lóc tiêu hết lượng thức ăn trong cơ thể và dùng một nhánh cây tươi cỡ ngón tay xỏ ngược từ miệng cá đến gần đuôi. Sau đó, cắm cây xuống đất, vật liệu nướng trui cá phải là rơm khô, nhất là rơm vàng ở vụ mùa đông-xuân thì cá nướng càng vàng càng thơm. Ðộ 10 phút, mùi thơm dịu của cá tỏa ra, lúc này để lửa liu riu, để cá chín đều từ ngoài vào trong, không bị chín áp hoặc cháy khét, khoảng 15 phút là cá chín vàng rượm. Cá lóc nướng trui được gói bằng bánh tráng mỏng kèm rau vấp cá, húng cây và phải chấm bằng nước mắm me đặc quánh. Tất cả vị thơm, chua, mặn, ngọt, bùi, cộng với vị nồng cay của ly rượu đế thì không gì sánh bằng. Nhưng phải là cá lóc đồng ở vùng Ðồng Tháp hay Cà Mau và cá ngon nhất phải là cá lóc đầu mùa mưa (cá lóc mùa lũ là cá lóc non, nên thịt mềm) được bắt ở các lung, bàu hoặc hồ rừng của miệt này. Cá lóc nướng trui sau khi chín, trải trên chiếc lá sen dùng dao rọc từ đầu đến đuôi thì bộ "đồ lòng" của cá là dân nhậu khoái nhất, bởi ruột cá sạch trơn và nhất là vị đắng thanh tao của mật mà người được quyền thưởng thức đầu tiên là người cao tuổi nhất và khách quý trong bữa tiệc.


    [Theo SGGP]