Đối tác - Liên kết

đọc và ngẫm....

Thảo luận trong 'Xóm nhà lá' bắt đầu bởi pe tram, 27/9/11.

  1. pe tram

    pe tram New Member

    Tham gia ngày:
    4/10/08
    Bài viết:
    786
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Osin
    Chị thuê nó sau khi sinh thằng cu thứ 2 . Con bé ngày mới vào gầy gò hom hem nhưng đảm việc . Lau nhà cửa , trông em , nấu nướng ..chẳng chê nó được việc gì .
    Năm nay thằng ku lên ba , vài hôm nữa là đi trẻ . ..
    Nuôi thêm một miệng ăn bây giờ không có khó khăn gì , nhưng nuôi để làm gì ? Chị đắn đo về việc cho con bé nghỉ việc .Hai hôm nay lần lữa định nói mà không biết lựa lời sao cho phải . Dù sao nó cũng như một thành viên gia đình này rồi . Cứ nghĩ đến thằng ku và nó quấn quýt là chị lại ngần ngại . Con bé hình như đoán được suy nghĩ của chị , chiều tối nó bỏ cơm , ngồi ôm thằng ku , nước mắt ngân ngấn .
    Trưa , chị đi làm về , trên bàn có miếng giấy , nét chữ nguệch ngoạc :
    " cháu về quê cô ạ , cháu xin lỗi đã không chào cô . Cháu nhờ cô dùng tiền lương tháng này của cháu mua cho em một món quà . Cô đừng lo cho cháu , cháu đã có tính toán rồi , cháu chào cô ! ... "
    Chiều thằng bé đi học về , dáo dác quanh nhà tìm ... Chị khóc , vội bế con ra bến xe mua vé về một miền quê nghèo ...

    =======================================
    LÔGIC


    Hồi trẻ tôi học giỏi, đẹp trai, lại có tài đàn nhạc nên lúc nào cũng sẵn tới cả tiểu đội các cô gái quấn quýt bên cạnh. Tôi chẳng dại gì mà không "hoa lá cành". Ngoài hai mươi tuổi tôi đã "nổi tiếng" khắp thị xã.
    Mẹ tôi lo lắng, thường treo tấm gương của bố tôi để răn bảo:
    - Anh nên học tập ngay bố anh đấy. Bố anh thuở trẻ chỉ yêu có mình mẹ và cho đến bây giờ vẫn không hề tơ vương đến một người đàn bà nào khác, dù bố anh đẹp trai và có quyền chức.
    Tất nhiên, tôi vô cùng cảm phục bố tôi và cũng không nỡ để ngoài tai lời khuyên của mẹ.
    Tôi lấy vợ, đẻ con, lòng chôn dần những cuộc tình đầy hấp dẫn bên tấm gương sáng bố tôi.
    Bỗng dưng - tôi nói bỗng dưng không hiểu có lôgich không - nhưng quả là từ dạo về hưu, bố tôi bỗng dưng đổi thay tất cả. Ông sà vào thực tế các quán bia đèn mờ, mon men đến điều nghiên các sạp nhảy, gần đây còn "kết nghĩa anh em" với một cô chiêu đãi viên, bất chấp mọi lời can ngăn và những giọt nước mắt cay đắng của mẹ tôi.
    Nheo cặp mắt đã đục hơi sương, mẹ thiểu não bảo tôi:
    - Mẹ lo lắm! Không phải là lo cho bố anh mà lo cho anh, lo cho các cháu. Bố anh ngày trước nghiêm chỉnh, đứng đắn như vậy mà bây giờ... Hồi trẻ, tính khí anh vốn đã bừa bãi... đến lúc về già không hiểu sẽ còn đến đâu....
    Tôi cầm tay mẹ, cố đùa cho mẹ vui:
    - Không có gì đáng sợ đâu mẹ ơi. Con và bố cùng đọc một cuốn sách. Có điều, con thì đọc từ trang đầu tới trang cuối, còn bố thì đọc lộn ngược từ trang cuối trở về trang đầu. Chuyện đời, xin mẹ cứ yên tâm.

    =========================================
    Đêm tân hôn

    - Vào chưa anh?

    - Vào lâu rồi!

    - Oái! Đau!

    Chỉ với 11 chữ không kể các dấu chấm câu, nhưng ta vẫn hình dung được toàn bộ tình cảnh của cô dâu và chú rể, quá khứ và tính cách ...

    ======================================
    Ước mơ
    Phương Anh

    Chị mua giùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
    - Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?
    Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
    - Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
    Dí dí những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
    - Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
    Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...


    =======================================
    Hắt Hiu Bóng Mẹ

    Gió quật hàng cây nghiêng ngả. Mái lá như sắp bay lên trời. Tôi khóc:
    -Trời bão, nhà gần tróc nóc mà ba cũng không về!
    Mẹ dỗ dành:
    - Mẹ sẽ biến nơi này thành lâu đài cho ba trở lại.
    Bây giờ, mưa gió không làm rung chuyển ngôi biệt thự mà mẹ dốc sức tạo nên. Nhưng ba vẫn ít khi về. Ông mê một cô gái trẻ.
    Và, tôi vẫn sợ bão. Gió sẽ lùa mái tóc bạc phơ của mẹ, sợ bóng mẹ hắt hiu, di động giữa gian phòng mênh mông, trống trải.
    =======================================
    Tính Cách
    Nguyễn Thị Hoài Thanh

    Mẹ tôi buôn bán, chai lì trước cán cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà hồn nhiên " ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:
    - Coi chừng trôi ti vi ...
    - Còn sách ông chưa viết ra đã hoá đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.
    Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn hoá phốc ra chặn đường con bé bán trứng vịt lộn.
    - mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất cũng gặp tao- Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.
    - Dì ơi, cho con khất, mẹ con ốm!
    - Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.
    Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cái mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi ...
    Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút khăn mùi soa chấm mắt.
    Lâu sau, ti vi phát vở kịch " Cô bé nghèo bán trứng bị xiếc nợ ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
    ======================================
    Ngày, tháng, năm

    Hôm nay, nó dẫn bà đi siêu thị! Vì đây là lần đầu bà đi nên cái gì cũng lạ, bà hết chỉ trỏ, lại vào xem! Ðến lúc về, không hiểu vì sao nó lại hứng chí bảo bà hãy đi cầu thang cuốn cho biết! Chiều nó, bà bước xuống! “Ấy“, bà chới với vì sợ cái cầu thang sẽ cuốn chân mình vào, cùng lúc đó, những tiếng cười chợt bật lên đầy cố ý! Nó nhìn bà ngượng ngùng, rồi quay lại, ba cô gái trẻ đang nhìn bà, mà chẳng phải, họ đang chăm chú chỉ trỏ vào cái dáng đứng luýnh quýnh, đầy vụng về của bà và cười... Thấy nó, họ chợt im bặt, đứng yên! Bà vẫn yên lặng, nhưng nó chợt thấy ân hận và buồn lạ..


    Ngày, tháng, năm

    Lớp hóa thầy D. bao giờ cũng như vậy, đông nghẹt! Cả một căn phòng lớn chợt trở nên quá nhỏ bé, chật chội với hơn 200 con người! Thầy vào, lại một bài giảng, cùng những bài tập mới... Tối nay, sau khi giảng xong bài mới, thầy chợt dừng lại, lôi một tờ giấy mà trước kia đã phát cho tụi nó ghi tên và trường vào, đọc tên từng người một. “Châu Gia Kiệt”, cả phòng học chợt rộ lên những tiếng cười thật sảng khoái. Thầy đập bàn, vẫn cười. ”Im lặng!”, thầy quát lên nhưng dường như cũng chẳng có kết quả gì... Mọi người cười cứ như thể đây là lần đầu tiên họ được cười thật sự, mặc cho thầy đang khổ sở tìm mọi cách để giữ trật tự ! Nó nhìn quanh, chợt hỏi, một cái tên đáng cười đến thế sao?


    Ngày, tháng, năm

    Trời giữa trưa nóng nực, nhưng cái nhiệt độ ngoài trời chẳng là gì so với bầu không khí trong trung tâm luyện thi, chuông hết giờ đã điểm... 5 phút... rồi 10 phút, thầy vẫn say sưa giảng nốt phần bài còn lại. Bỗng một nam sinh đứng lên, đi qua mặt thầy. 5 phút sau, khi đã kết thúc bài giảng, thầy giữ cả lớp lại bảo: ”Các em nếu không muốn học thì đừng đến cái lớp học này, còn nếu đã đến, thì phải học hành cho đàng hoàng, đừng như em kia...”, rồi thầy dịu giọng, ”mà có lẽ em ấy có giờ học suất sau!”. Chợt từ cuối lớp một tiếng nói vọng lên, không quá to nhưng cũng đủ để mọi người nghe thấy: "Làm gì mà có giờ học sau, chẳng qua nó thấy ổng giảng hăng quá nên về ấy mà! Mà cũng hết giờ rồi, sợ gì...”. Và dường như để hưởng ứng, một vài tiếng cười khúc khích vang lên! Thầy im lặng, vội quay mặt lên bảng..


    Ngày, tháng, năm

    Hôm nay thao dượt văn nghệ! Cái trường vốn như một nhà tù đương đại của thế kỉ XX chợt bừng sáng với những dàn đèn ,những bộ trang phục đủ màu sắc! Cả lũ học sinh nhốn nháo, chờ đợi! Cuối cùng, BGK cũng tuyên bố bắt đầu buổi diễn! “À, nhỏ T, nhỏ T kìa tụi bây ơi!”, cả hội trường chợt xôn xao hẳn lên khi T - cây đơn ca nổi tiếng của trường xuất hiện cùng chiếc váy trắng dài! Bài hát vừa kết thúc cũng là lúc hàng chục người chạy lên! Và cứ thế sân khấu của trường đầy những người là người trong năm phút! Sợ chết chương trình, T. vội vã bước vào cánh gà, chợt, ”oạch”, T. vướng chân ngã ngay trên sân khấu! Cả hội trường như vỡ ra bởi tiếng cười! T. im lặng đứng dậy, bước nhanh! Nó chợt sững người khi nhận ra một giọt nước mắt nào vừa rơi...


    Ngày, tháng, năm

    “Rầm , rầm”,cái xóm nhỏ vốn tĩnh lặng bỗng trở nên thật ồn ào với tiếng la hét, cổ vũ, tiếng bóng va vào cửa sắt! Có lẽ lại là một trận thư hùng mới của lũ trẻ xóm bên đây! ”Này, mấy đứa đừng chơi ở đây nữa, trưa nào cũng thế, ồn ào quá!”, bác T. la lớn. Ngay lập tức: ”Cái ông già nhiều chuyện, tụi này chơi ở đây chứ có phải trong nhà ông đâu mà lớn tiếng thế?”, câu nói cùng những tiếng cười vang lên như đáp trả lại. Bác T. đành lắc đầu, quay đi...

    Ngày, tháng, năm
    ... .. ...

    Và như thế , quyển nhật kí cứ dày lên! Không hiểu sao mỗi lần đọc, nó chợt nhớ đến lời thằng bạn thân: ”Mày đừng có quá khắt khe thế, khi nào cười được thì hãy cứ cười thật sảng khoái vào, mày cứ nhăn nhó thế thì có ngày trở thành bà cụ non mất!”. Chẳng lẽ nó lại là người quá khắt khe sao? Nó không biết! Chỉ đơn giản, nó không muốn nụ cười của mình lại làm tổn thương người khác, thế thôi